Thông tư 02/2022/TT-BTTTT quy định danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ TT&TT
15:49 - 13/01/2023
EXTENDMAX - Ngày 16/05/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTTTT (thay thế cho Thông tư số 11/2020/TT-BTTTT và Thông tư số 01/2021/TT-BTTTT quy định "Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông" (danh mục hàng hóa nhóm 2 là các thiết bị thu phát sóng vô tuyến, thiết bị công nghệ thông tin phải kiểm tra chất lượng nhà nước, phải chứng nhận hợp quy và/hoặc phải công bố hợp quy). Thông tư 02/2022/TT-BTTTT sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2022.
1. Các điểm mới đáng chú ý của Thông tư số 02/2022/TT-BTTTT:
1.1. Bộ TT&TT bổ sung vào danh mục các quy chuẩn kỹ thuật mới
(1) QCVN 22:2021/BTTTT (an toàn điện cho thiết bị ICT, hiện tại chỉ áp dụng cho điện thoại DECT)
(2) QCVN 65:2021/BTTTT (yêu cầu về phát xạ cho thiết bị WLAN băng tần ISM 5G)
(3) QCVN 123:2020/BTTTT (yêu cầu về phát xạ cho thiết bị vô tuyến cự ly ngắn băng tần 40GHz ~ 246GHz)
(4) QCVN 124:2021/BTTTT (yêu cầu về phát xạ cho thiết bị radar sử dụng trên thiết bị giao thông vận tại mặt đất, hoạt động trong băng tần 76GHz ~ 77GHz)
(5) QCVN 127:2021/BTTTT (yêu cầu về phát xạ cho thiết bị đầu cuối 5G NR độc lập)
(6) QCVN 129:2021/BTTTT (yêu cầu về phát xạ cho thiết bị đầu cuối 5G NR lai ghép)
1.2. Bộ TT&TT có làm rõ về phạm vi áp dụng của quy chuẩn
"Sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 chỉ khi trùng khớp về mô tả sản phẩm, hàng hóa và mã số HS nêu tại Danh mục".
1.3. Đối với QCVN 65:2021/BTTTT và QCVN 65:2013/BTTTT
QCVN 65:2021/BTTTT và QCVN 65:2013/BTTTT được sử dụng song song trong giai đoạn từ 01/07/2022 đến 30/06/2023. Để làm thủ tục công bố hợp quy, doanh nghiệp cần có giấy chứng nhận hợp quy của một trong 2 phiên bản này là đủ.
1.4. Chuyển một số nhóm sản phẩm ít gây mất an toàn từ Phụ lục 1 sang Phụ lục 2
Các thiết bị vô tuyến, công nghệ thông tin được chuyển từ Phụ lục 1 sang Phụ lục 2 (chuyển từ hình thức bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy sang hình thức chỉ phải công bố hợp quy) bao gồm: Radar cự ly ngắn 76~77 GHz, thiết bị vô tuyến cự ly ngắn sử dụng cho mục đích chung hoạt động trong một số băng tần cụ thể, RFID 13.56MHz, SHF.
1.5. Loại bỏ khỏi danh mục 06 nhóm hàng hóa do đã lỗi thời hoặc ít gây mất an toàn
Các sản phẩm được loại bỏ bao gồm: máy VHF sử dụng trên sông, Inmarsat F77, điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao (không gồm điện thoại DECT)...
1.6. Nhóm "thiết bị khác" được đưa trở lại danh mục.
Thông tư số 02/2022/TT-BTTTT chính thức có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01/07/2022.
2. Khuyến nghị của ExtendMax về việc áp dụng thông tư 02/2022/TT-BTTTT:
a. Khuyến nghị về việc áp dụng QCVN 65:2021/BTTTT và QCVN 65:2013/BTTTT
Do Bộ TT&TT cho phép sử dụng 1 trong 2 phiên bản QCVN 65:2021/BTTTT và QCVN 65:2013/BTTTT được sử dụng song song trong giai đoạn từ 01/07/2022 đến 30/06/2023, doanh nghiệp chỉ cần giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm theo 1 trong 2 phiên bản này là đủ để làm thủ tục nhập khẩu. Đối với các sản phẩm sắp hết vòng đời trước 01/07/2023, nếu doanh nghiệp đã có giấy chứng nhận hợp quy theo QCVN 65:2013/BTTTT thì nên tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận đó. Nếu sản phẩm còn vòng đời sau ngày 01/07/2023 thì doanh nghiệp nên chủ động làm thủ tục chứng nhận hợp quy theo phiên bản mới - QCVN 65:2021/BTTTT trước ngày 01/07/2023 để chủ động trong việc nhập khẩu hàng hóa.
b. Khuyến nghị về các thử nghiệm sản phẩm có tần số trên 40GHz
Hiện tại điều kiện của các phòng thử nghiệm trong nước vẫn bị giới hạn và có thể gặp khó khăn trong việc thử nghiệm các sản phẩm có tần số phát sóng trên 40GHz như QCVN 123:2021/BTTT, QCVN 124:2021/BTTT, QCVN 127:2021/BTTTT and QCVN 129:2021/BTTTT. Do vậy, nhiều khả năng Bộ TT&TT sẽ chấp thuận cho phép sử dụng kết quả thử nghiệm nước ngoài do phòng thử nghiệm đạt ISO / IEC 17025 ban hành. Việc chấp nhận kết quả thử nghiệm này sẽ được ban hành bằng một văn bản hướng dẫn riêng trong 1-2 tuần tới
c. Một số điểm trong thông tư mà có thể doanh nghiệp sẽ gặp lúng túng khi áp dụng:
→ Phụ lục 1 - mục 2.8 có mô tả sản phẩm hàng hóa áp dụng cho thiết bị vô tuyến nhận dạng vô tuyến điện RFID hoạt động ở nhiều băng tần khác nhau trong đó có băng tần 9kHz ~ 25MHz (không loại trừ băng tần13.56MHz). Trong khi đó, mục 4.2 của Phụ lục 2 cũng có mô tả áp dụng cho thiết bị vô tuyến nhận dạng vô tuyến điện RFID hoạt động ở băng tần 13.56MHz. Điều này có nghĩa là thiết bị RFID 13.56MHz nằm trong phạm vi áp dụng của 2 mục khác nhau, thuộc 2 phục lục khác nhau. Nếu RFID 13.56MHz áp dụng theo mục 2.8 của Phụ lục 1 thì sẽ phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Nếu RFID 13.56MHz được áp dụng theo mục 4.2 của Phụ lục 2 thì sẽ chỉ phải công bố hợp quy (không phải chứng nhận hợp quy). Do vậy, doanh nghiệp cần chờ thêm văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT về thiết bị này hoặc đề nghị Cục Viễn Thông hướng dẫn áp dụng trên thực tế kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
→ Phụ lục 2 - mục 4.1 có mô tả sản phẩm hàng hóa áp dụng cho thiết bị vô tuyến hoạt động trong dải tần 40GHz ~ 246GHz, nhưng phần mô tả quy chuẩn áp dụng thì lại có các quy chuẩn cho băng tần 13.56MHz và 27MHz. Căn cứ theo khoản 1, Điều 1 thì "Thông tư này chỉ áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa có mã số HS và mô tả sản phẩm, hàng hóa quy định tại Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2". Như vậy chúng ta có thể căn cứ theo điều này để xác định mục 4.1 của Phụ lục 2 chỉ áp dụng đối với thiết bị vô tuyến hoạt động trong dải tần 40GHz ~ 246GHz và có mã HS được liệt kê. Các thiết bị vô tuyến hoạt động trong dải tần 13.56MHz và 27MHz, mặc dù được liệt kê trong cột "quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng", nhưng sẽ không thuộc phạm vi áp dụng của mục 4.1 này.
→ Bộ TT&TT công bố "Thiết bị Ra đa dùng cho tàu thuyền đi biển nhập khẩu được miễn kiểm tra chất lượng theo Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ, nhưng vẫn phải thực hiện công bố hợp quy trước khi đưa vào sử dụng". Tuy nhiên, theo Nghị định số 132/2008/ND-CP (được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị định số 74/2018/ND-CP và Nghị định số 154/2018/ND-CP" thì "hoạt động công bố hợp quy là việc thực hiện quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu". Do vậy doanh nghiệp sẽ cần liên hệ để được hướng dẫn về phương thức công bố hợp quy không thông qua quá trình "đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu".
Tải toàn văn dự thảo thông tư: download link
Tin liên quan
Dự thảo Danh mục hàng hóa loại 2 của Bộ TT&TT giai đoạn 2023-2024QCVN 18:2022/BTTTT về EMC, thay thế QCVN 18:2014/BTTTT
QCVN 130:2022/BTTTT về EMC cho thiết bị âm thanh không dây
QCVN 132:2022/BTTTT về an toàn điện đối với máy tính, TiVi, tablet
QCVN 101:2020/BTTTT - Quy chuẩn về Pin Lithium | VNCA